Các băng đảng lợi dụng tình trạng thực thi pháp luật lỏng lẻo do xung đột ở Myanmar để buôn người, lừa đảo qua mạng viễn thông quy mô lớn.
Vụ giải cứu các diễn viên Trung Quốc bị bắt cóc gần đây khiến tâm điểm chú ý đổ dồn vào các mạng lưới tội phạm bắt cóc, buôn người, lừa đảo qua mạng viễn thông ở biên giới Thái Lan - Myanmar.
Sự việc gây chú ý nhất là vụ giải cứu nam diễn viên Vương Tinh. Vào cuối tháng 12/2024, Vương nhận được lời mời thủ vai trong một bộ phim quay ở Thái Lan. Sau khi hạ cánh xuống Bangkok vào tháng 1, anh bị đưa tới một trung tâm ở khu vực biên giới Myanmar - Thái Lan.
Vương cho biết có hàng chục người Trung Quốc bị giữ ở đây, tất cả đều bị buộc cạo trọc đầu. Trong ba ngày bị nhốt, tội phạm huấn luyện Vương Tinh kỹ năng lừa đảo qua tin nhắn văn bản. Ngày 7/1, cảnh sát Thái Lan giải cứu Vương ở Myanmar, xác nhận nam diễn viên là nạn nhân buôn người. Sau sự việc này, nhiều người cũng chia sẻ trên mạng về việc bản thân hoặc người thân bị mắc bẫy chiêu lừa đảo tương tự.
Nhiều khu vực ở Đông Nam Á đã trở thành địa bàn cho các tập đoàn lừa đảo chủ yếu do người Trung Quốc điều hành, có mối liên hệ sâu sắc với các tổ chức tội phạm Trung Quốc. Hầu hết nạn nhân cũng là người Trung Quốc. SCMP cho hay vấn nạn là do các khu vực này có vị trí địa lý gần với Trung Quốc và tình trạng kiểm soát biên giới, thực thi pháp luật lỏng lẻo.
Sau khi Trung Quốc tổ chức những đợt trấn áp tội phạm trong nước, nhiều băng đảng đã rời khỏi nước này đến Đông Nam Á hoạt động. Viện Hòa bình Mỹ (USIP) năm 2024 thống kê 305.000 kẻ lừa đảo, buôn người ở Myanmar, Campuchia và Lào, thu lợi bất chính 39 tỷ USD hàng năm.
Tình trạng thất nghiệp tại Trung Quốc cũng góp phần làm tăng lượng nạn nhân bị lừa sang các trung tâm lừa đảo với lời hứa "việc nhẹ lương cao". Một gia đình có nạn nhân rơi vào tay các băng nhóm đã mời các gia đình khác cung cấp thông tin trên danh sách trực tuyến. Có 2.000 trường hợp được liệt kê, hầu hết là nam giới dưới 30 tuổi.
Myanmar là điểm nóng do có biên giới chung với Trung Quốc và do đang diễn ra xung đột giữa quân chính phủ với các nhóm phiến quân, trong đó có một số nhóm là người gốc Hoa.
Tình trạng này đã cho phép các băng đảng lộng hành mà không sợ bị trừng phạt. Diễn viên Vương Tinh được giải cứu ở thị trấn Myawaddy, Myanmar. Khu vực này do nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát.
Bên cạnh đó, có những mạng lưới, đường dây buôn người được tổ chức chặt chẽ, đưa người từ các khu vực kém phát triển ở tây nam Trung Quốc qua biên giới.
Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết nạn lừa đảo, buôn người. Nước này vốn nỗ lực cân bằng quan hệ với chính quyền Myanmar và các nhóm phiến quân, trong đó có một nhóm chủ yếu gồm các chiến binh gốc Hoa ở tỉnh biên giới Kokang. Bắc Kinh cũng tích cực làm trung gian hòa giải giữa quân đội Myanmar và các nhóm để duy trì ổn định biên giới, đảm bảo lệnh ngừng bắn.
Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á đã thành lập Trung tâm Hợp tác an ninh và thực thi pháp luật Lan Thương - Mekong (LMLECC) để phối hợp trấn áp nạn tội phạm. Trong giai đoạn đầu mang tên Chiến dịch Hải Âu, giới chức các nước đã thực hiện 160 vụ triệt phá ổ lừa đảo, bắt hơn 70.000 nghi phạm, giải cứu 160 nạn nhân.
Bắc Kinh cũng phối hợp với chính quyền Myanmar để truy tố những người thuộc gia tộc tội phạm gốc Hoa hoạt động ở các khu vực biên giới như tỉnh Kokang, bắt nhiều nghi phạm chủ chốt và dẫn độ về Trung Quốc.
Một trong số đó là Minh Học Xương, ông trùm điều hành khu phức hợp lừa đảo viễn thông quy mô lớn có tên Ngọa Hổ Tàng Long khét tiếng ở Kokang, bị bắt hồi năm 2023. Giới hành pháp còn bắt thêm những nghi phạm đứng đầu ba gia tộc tội phạm khác năm ngoái.
Cuối năm 2024, Trung Quốc tuyên bố các trung tâm lừa đảo qua mạng viễn thông lớn gần biên giới Trung Quốc - Myanmar đã bị xóa sổ, hơn 53.000 nghi phạm bị bắt.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra những tập đoàn tội phạm này đã chuyển đến Myawaddy ở biên giới Myanmar - Thái Lan, thúc đẩy giới chức Trung Quốc và hai nước này có những cam kết hành động mới.
Đức Trung (Theo CNA, SCMP, Diplomat, Xinhua)
Nhân dịp tới Nhà Trắng dự lễ Lăn trứng Phục sinh, Kai Trump giới thiệu về phòng khách, phòng chơi golf, bowling, gym trong Nhà Trắng.
Ngày 14/4, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, ban lãnh đạo của nhóm này đang xem xét đề xuất hòa bình về Dải Gaza mới nhận được từ các nhà hòa giải và sẽ đưa ra phản hồi sau khi hoàn tất các cuộc tham vấn nội bộ.
Theo giới chức Iran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi và đặc phái viên Trung Đông của ông Trump Steve Witkoff sẽ đàm phán gián tiếp thông qua một quan chức Oman làm trung gian. Tuần trước, vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên tại Muscat đã được cả hai bên đánh giá là mang tính xây dựng.
Người dân Sumy cho biết họ không còn chút niềm tin nào vào triển vọng ngừng bắn sau khi thành phố hứng cuộc tập kích tên lửa của Nga cuối tuần trước.
Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin ngày 9/3, các cuộc đụng độ đã bùng phát tại nhà máy điện khí Banias ở nước này.
Sáng 16/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Colombia phụ trách các vấn đề đa phương Mauricio Jaramillo Jassir nhân dịp ông dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) đang diễn ra tại Hà Nội từ 14-17/4.
Bệnh viện Sanikukai ở Tokyo lập quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, giúp nhân viên y tế có thể kịp thời chăm sóc, bảo vệ các bé.
Các binh sĩ Ukraine ví cao tốc R200 từ tỉnh Kursk về Sumy như 'cung đường chết', khi drone Nga tấn công và phá hủy mọi khí tài trên đường.
Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus ngày 6/4 bày tỏ hy vọng Israel sẽ không mạo hiểm xung đột với Ankara tại Syria.