Bản đồ địa chính trị Nam Á đang thay đổi, liên minh mới và 'cuộc chơi' quyền lực

18:45 07/02/2025

Từ việc Bangladesh và Pakistan xích lại gần nhau đến Afghanistan tìm kiếm quan hệ với Ấn Độ, bức tranh chính trị khu vực Nam Á đang trở nên phức tạp hơn.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Chietigj Bajpaee, nghiên cứu viên cao cấp về Nam Á tại Chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Chatham House - Viện nghiên cứu Chính sách công có trụ sở tại London (Anh) trong bài viết mới đăng tải trên tờ SCMP.

Bài viết
Bài viết của Tiến sĩ Chietigj Bajpaee đăng tải trên tờ SCMP ngày 3/2. (Ảnh chụp màn hình)

Bangladesh-Pakistan xích lại gần nhau

Theo Tiến sĩ Chietigj Bajpaee, chỉ trong vòng 6 tháng, cục diện địa chính trị Nam Á đã có nhiều biến đổi sâu sắc. Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina rời khỏi sân khấu quyền lực vào tháng 8/2024. Trung Quốc và Ấn Độ đạt được thỏa thuận biên giới sau nhiều tháng căng thẳng hồi tháng 10/2024. Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ gặp Quyền Ngoại trưởng Afghanistan tại Dubai tháng 1/2025.

Những diễn biến này cũng cho thấy sự dịch chuyển trong các liên minh địa chính trị tại khu vực.

Cựu Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từng là đối tác quan trọng của Ấn Độ. Sự ra đi của bà đã tạo cơ hội để Pakistan – "đối thủ truyền kiếp" của New Delhi – gia tăng ảnh hưởng tại Dhaka.

Bangladesh đã nới lỏng quy định thị thực đối với công dân Pakistan, thiết lập tuyến hàng hải trực tiếp giữa cảng Karachi và Chittagong, đồng thời giảm bớt các hạn chế thương mại song phương. Đặc biệt, trong tháng 2/2025 này, Bangladesh sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân Aman của Pakistan tại Karachi.

Bản đồ địa chính trị Nam Á đang thay đổi, liên minh mới và 'cuộc chơi' quyền lực

Thủ tướng Pakistan Muhammad Shehbaz Sharif (trái) gặp nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh Muhammad Yunus bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác kinh tế D-8 lần thứ 11 tại Cairo (Ai Cập) vào ngày 19/12/2024. (Nguồn: X)

Bên cạnh đó, sự tái thiết quan hệ này còn được minh chứng qua một loạt cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Dhaka và Islamabad. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Pakistan Mohammad Ishaq Dar dự kiến thăm Bangladesh trong tháng này, tiếp nối chuyến công du của người đứng đầu Cơ quan tình báo Pakistan (ISI) Asim Malik vào tháng trước.

Trước đó, nhiều cuộc gặp đã diễn ra giữa lãnh đạo chính phủ lâm thời của Bangladesh Muhammad Yunus và Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif.

Tin liên quan
Từ TikTok đến RedNote: Cuộc
Từ TikTok đến RedNote: Cuộc 'di cư' văn hoá vượt ranh giới địa chính trị

Chuyên gia Bajpaee cho rằng, mặc dù khó có thể nhìn nhận mối quan hệ của Dhaka với New Delhi và Islamabad dưới góc độ "được-mất", nhưng những diễn biến này đủ để thấy một sự thay đổi rõ rệt trong chính sách đối ngoại của Bangladesh.

Đặc biệt, đây càng là một bước ngoặt đối với Pakistan, quốc gia từng bị đánh giá tiêu cực tại Bangladesh do cuộc chiến ly khai đẫm máu năm 1971. Dưới thời chính quyền bà Hasina, các đảng đối lập như Jamaat-e-Islami từng bị giám sát chặt chẽ vì mối quan hệ lịch sử với Pakistan.

Thế nhưng, giờ đây, chính những lực lượng này lại trở thành một phần hoặc hậu thuẫn cho chính phủ lâm thời của Bangladesh.

Biên giới Trung Quốc-Ấn Độ bớt "nóng"

Theo Tiến sĩ Chietigj Bajpaee, thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần giảm bớt căng thẳng sau vụ đụng độ nghiêm trọng vào năm 2020. Nội dung chính của thỏa thuận bao gồm việc nối lại tuần tra và quyền chăn thả tại hai khu vực tranh chấp ở phía Đông Ladakh và Aksai Chin.

Trong cuộc gặp hôm 8/1, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông cũng đã thảo luận về việc khôi phục các sáng kiến “lấy con người làm trung tâm”. Tuy nhiên, ông Bajpaee chỉ rõ, thỏa thuận này vẫn không giải quyết được tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước.

Cả Bắc Kinh và New Delhi đều không từ bỏ yêu sách đối với nhiều vùng lãnh thổ, vẫn chưa đạt được thỏa thuận về ranh giới phía Tây, được gọi là Đường kiểm soát thực tế (LAC). Hiện tại, quân đội hai bên đang duy trì đáng kể lực lượng dọc biên giới mà chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã góp phần giảm bớt căng thẳng sau vụ đụng độ năm 2020. (Nguồn: Anadolu)
Thỏa thuận biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ góp phần giảm bớt căng thẳng sau vụ đụng độ năm 2020. (Nguồn: Anadolu)

Ngoài ra, thỏa thuận cũng không đề cập những khu vực tranh chấp khác cũng như các vấn đề nhạy cảm như tranh chấp nguồn nước. Vì vậy, căng thẳng có thể bùng phát khi Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangpo (Brahmaputra), con sông chảy qua cả hai nước.

Hơn hết, ông Bajpaee nhận định, dù còn nhiều hạn chế song thỏa thuận biên giới cho thấy cả Bắc Kinh và New Delhi đều nhận thức rõ sự cần thiết của việc thiết lập các cơ chế kiểm soát quan hệ song phương, trong bối cảnh hai nước đang đối mặt với những thách thức cấp bách cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.

Ông Bajpaee nhấn mạnh, những nỗ lực gần đây của Trung Quốc trong việc giảm căng thẳng với các nước láng giềng, bao gồm cả Ấn Độ và Nhật Bản, cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách ổn định khu vực trước thềm một cuộc cạnh tranh chiến lược sâu rộng hơn với Mỹ, đặc biệt khi Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai.

Bên cạnh đó, đối với Ấn Độ, việc giảm căng thẳng biên giới là điều kiện tiên quyết nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhất là khi New Delhi nhận thức rõ: Tham vọng trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu của mình khó có thể thành hiện thực nếu thiếu các linh kiện và nguyên liệu nhập khẩu từ quốc gia láng giềng tỷ dân.

Ấn Độ-Afghanistan: "Băng tan" sau "giá lạnh"

Theo vị chuyên gia Nam Á, cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri và quyền Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi ngày 8/1 mới đây đã đánh dấu một bước tiến trong quá trình hàn gắn quan hệ giữa New Delhi và Kabul kể từ khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát đất nước.

Đây cũng là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai nước từ năm 2021.

Tại cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã khẳng định cam kết của nước này đối với phát triển khu vực, hợp tác thương mại, nhân đạo, cũng như thỏa thuận nối lại các dự án phát triển và hỗ trợ trong các lĩnh vực y tế và người tị nạn ở Afghanistan.

Ông Misri cũng nhấn mạnh tình hữu nghị lâu đời Ấn Độ-Afghanistan và những mối liên hệ mạnh mẽ giữa nhân dân hai nước, đồng thời khẳng định New Delhi sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu phát triển cấp bách của người dân Afghanistan.

Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri (trái) và quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp tại Dubai. (Nguồn: X)
Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Vikram Misri (trái) và quyền Ngoại trưởng Taliban Amir Khan Muttaqi trong cuộc gặp tại Dubai ngày 8/1. (Nguồn: X)

Vào tháng 11/2024, chính quyền Taliban đã bổ nhiệm một lãnh sự tạm quyền tại Mumbai, tiếp nối động thái mở lại Đại sứ quán Ấn Độ tại Kabul vào năm 2022.

Trước đó, New Delhi luôn duy trì khoảng cách với Taliban do hệ tư tưởng cực đoan và mối quan hệ mật thiết của lực lượng này với quân đội và tình báo Pakistan. Islamabad từng xem Afghanistan là yếu tố “chiều sâu chiến lược” (strategic depth) trong cuộc cạnh tranh với Ấn Độ.

Tuy nhiên, ông Bajpaee khẳng định, cục diện Nam Á đang thay đổi khi Afghanistan giờ đây trở thành "gánh nặng" hơn là lợi thế đối với Pakistan, minh chứng qua hàng loạt vụ đụng độ biên giới gần đây giữa hai nước.

Ngoài ra, Ấn Độ vẫn dè chừng Taliban, đặc biệt sau những vụ tấn công nhằm vào công dân nước này tại Afghanistan, tiêu biểu là vụ đánh bom Đại sứ quán Ấn Độ ở Kabul năm 2009 và vụ tấn công Lãnh sự quán tại Herat năm 2014.

Toan tính đằng sau

Cũng theo ông Bajpaee, những biến động gần đây tại Nam Á đang phản ánh các toan tính chiến lược sâu rộng hơn.

Việc Bangladesh điều chỉnh chính sách đối ngoại là hệ quả của cuộc khủng hoảng bản sắc kéo dài, trong đó nền chính trị nước này liên tục dao động giữa các bản sắc dân tộc đối lập nhau.

Tại Afghanistan, chính quyền Taliban cũng đang nỗ lực thoát khỏi tình trạng bị cô lập trên trường quốc tế. Kabul mong muốn New Delhi tham gia vào mạng lưới đối tác phát triển cùng với Trung Quốc và Nga, đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố chấm dứt viện trợ nước ngoài.

Đối với New Delhi, Taliban được xem là “mối đe dọa ít nghiêm trọng hơn” so với các tổ chức cực đoan như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Bản đồ địa chính trị Nam Á đang thay đổi, liên minh mới và 'cuộc chơi' quyền lực
Nam Á đang chứng kiến một sự tái định hình quan hệ trong khu vực. (Nguồn: Asia Times)

Ông Bajpaee cho rằng, là quốc gia có biên giới với tất cả các nước trong khu vực, Ấn Độ chịu tác động kép từ những diễn biến này. Một mặt, quan hệ với Bangladesh xấu đi có thể cản trở chính sách Hành động hướng Đông của New Delhi, gây khó khăn cho các chiến lược hợp tác kinh tế và kết nối với Đông Nam Á. Mặt khác, việc cải thiện quan hệ với Kabul lại giúp Ấn Độ thúc đẩy mục tiêu chiến lược lớn hơn là tăng cường kết nối với Trung Á.

Tựu trung, Nam Á đang chứng kiến một sự tái định hình quan hệ trong khu vực. Bangladesh xích lại gần Pakistan, bên cạnh tìm kiếm mối quan hệ cân bằng hơn với Ấn Độ. Ngược lại, Afghanistan tiến gần hơn đến Ấn Độ trong khi muốn duy trì sự cân bằng với Pakistan.

Đặc biệt, Trung Quốc đang tìm cách ổn định các khu vực lân cận nhằm tập trung đối phó Mỹ – đối thủ được xem là mối đe dọa chính đối với an ninh và thịnh vượng của đất nước tỷ dân này.

Có thể nói, cán cân quyền lực tại Nam Á tiếp tục xoay chuyển theo những hướng khó lường, không chỉ ảnh hưởng đến từng quốc gia mà còn định hình tương lai của cả khu vực.

(*) Trước khi gia nhập Chatham House, Tiến sĩ Chietigj Bajpaee là cố vấn rủi ro chính trị khu vực châu Á tại Tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy.

Tiến sĩ Bajpaee từng nghiên cứu về khu vực châu Á, đặc biệt là Nam Á, tại các tổ chức như Control Risks, IHS Markit (nay là S&P Global), Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Washington DC và Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS). Ngoài ra, ông cũng là nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện phân tích và nghiên cứu quốc phòng Manohar Parrikar, Quỹ quốc tế Vivekananda ở Ấn Độ.

Có thể bạn quan tâm
Kai Trump khoe phòng chơi golf, bowling trong Nhà Trắng

Kai Trump khoe phòng chơi golf, bowling trong Nhà Trắng

12:45 30/04/2025

Nhân dịp tới Nhà Trắng dự lễ Lăn trứng Phục sinh, Kai Trump giới thiệu về phòng khách, phòng chơi golf, bowling, gym trong Nhà Trắng.

Xung đột ở Gaza: Hamas xem xét đề xuất mới của Israel, nhắc lại các yêu cầu cốt lõi

Xung đột ở Gaza: Hamas xem xét đề xuất mới của Israel, nhắc lại các yêu cầu cốt lõi

03:45 23/04/2025

Ngày 14/4, phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, ban lãnh đạo của nhóm này đang xem xét đề xuất hòa bình về Dải Gaza mới nhận được từ các nhà hòa giải và sẽ đưa ra phản hồi sau khi hoàn tất các cuộc tham vấn nội bộ.

Mỹ-Iran bắt đầu bước vào đàm phán, ông Trump nói Tehran 'không thể có vũ khí hạt nhân'

Mỹ-Iran bắt đầu bước vào đàm phán, ông Trump nói Tehran 'không thể có vũ khí hạt nhân'

23:45 22/04/2025

Theo giới chức Iran, Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi và đặc phái viên Trung Đông của ông Trump Steve Witkoff sẽ đàm phán gián tiếp thông qua một quan chức Oman làm trung gian. Tuần trước, vòng đàm phán gián tiếp đầu tiên tại Muscat đã được cả hai bên đánh giá là mang tính xây dựng.

Hy vọng ngừng bắn tắt lịm tại Sumy sau đòn tập kích của Nga

Hy vọng ngừng bắn tắt lịm tại Sumy sau đòn tập kích của Nga

17:45 21/04/2025

Người dân Sumy cho biết họ không còn chút niềm tin nào vào triển vọng ngừng bắn sau khi thành phố hứng cuộc tập kích tên lửa của Nga cuối tuần trước.

Tình hình Syria: Bạo lực tái bùng phát dữ dội, hơn 1.000 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh

Tình hình Syria: Bạo lực tái bùng phát dữ dội, hơn 1.000 người thiệt mạng trong 2 ngày giao tranh

02:00 18/04/2025

Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria đưa tin ngày 9/3, các cuộc đụng độ đã bùng phát tại nhà máy điện khí Banias ở nước này.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Colombia

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Colombia

22:00 17/04/2025

Sáng 16/4, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Colombia phụ trách các vấn đề đa phương Mauricio Jaramillo Jassir nhân dịp ông dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) đang diễn ra tại Hà Nội từ 14-17/4.

Bệnh viện Nhật lập quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

Bệnh viện Nhật lập quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi

19:45 17/04/2025

Bệnh viện Sanikukai ở Tokyo lập quầy tiếp nhận trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, giúp nhân viên y tế có thể kịp thời chăm sóc, bảo vệ các bé.

'Cung đường chết' với lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk

'Cung đường chết' với lực lượng Ukraine ở tỉnh Kursk

17:00 15/04/2025

Các binh sĩ Ukraine ví cao tốc R200 từ tỉnh Kursk về Sumy như 'cung đường chết', khi drone Nga tấn công và phá hủy mọi khí tài trên đường.

Thổ Nhĩ Kỳ 'đối đầu' Israel tại Syria, Ankara lên tiếng không muốn mạo hiểm xung đột

Thổ Nhĩ Kỳ 'đối đầu' Israel tại Syria, Ankara lên tiếng không muốn mạo hiểm xung đột

20:45 13/04/2025

Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus ngày 6/4 bày tỏ hy vọng Israel sẽ không mạo hiểm xung đột với Ankara tại Syria.

Co loi xay ra
Co loi xay ra
Ago Mom cải thiện khả năng thụ thai, tình trạng hiếm muộn ở phụ nữ
Ago Dad hỗ trợ sức khỏe sinh sản nam giới bổ sung dưỡng chất cần thiết, tăng cường sức khỏe, bổ thận và ích tinh cho nam giới
Ống hút giấy, cốc giấy, ly giấy, bát giấy, tô giấy, đĩa giấy
Cốc Giấy Là Gì? Tại sao chúng ta nên sử dụng Cốc Giấy?
Cốc giấy, Ly giấy
Ống hút giấy
Ống hút giấy
Du học Nhật Bản, Học bổng Nhật Bản, Việc làm tại Nhật Bản, Dịch vụ ở Nhật Bản, Aishin Hà Nội
Du học Nhật Bản
Thông tin du học