Mới xuất hiện được hơn nửa tháng nhưng tiệm mì 1.000 đồng ở phường 5, TP Cà Mau là địa chỉ mà nhiều người khó khăn, cơ nhỡ tìm đến để no bụng, tiếp tục chặng đường mưu sinh.
Anh Trương Minh Đương (ngụ phường 6, TP Cà Mau) cùng một số người bạn đã thành lập tiệm mì 1.000 đồng tại phường 5, TP Cà Mau để mọi người cùng đến thưởng thức. Khách hàng mà nhóm hướng tới là những người nghèo, người lang thang, cơ nhỡ, người bán vé số, người nhặt ve chai…
Anh Đương cho biết xuất phát từ thực tế thấy mỗi ngày nếu ăn ở quán bình dân cũng đã mất khoảng 50.000 đồng cho hai bữa ăn. Trong khi đó, những người dân lao động nghèo mỗi ngày có khi kiếm không đủ số tiền để ăn.
"Tận mắt chứng kiến những cô chú đi bán vé số ngất xỉu vì hạ đường huyết do để dành tiền không dám ăn uống mà thương. Tôi lập ra quán với mong muốn cùng mọi người giúp sức những hoàn cảnh khó khăn.
Giá 1.000 đồng/tô mì với đầy đủ các món như: trứng, rau, xúc xích là để mọi người đỡ ngại, coi như họ ăn quán trả tiền", anh Đương chia sẻ.
Khách đến ăn đông nhất là người bán vé số dạo, lượm ve chai và những cô chú làm bảo vệ, nhân viên dọn dẹp vệ sinh.
Chị Trang, bán vé số dạo ở TP Cà Mau, chia sẻ: "Mỗi ngày tôi bán vé số được khoảng 100 tờ, lời được 100.000 đồng. Trừ chi phí nhà trọ, điện nước và nuôi đứa nhỏ đi học thì mỗi ngày tôi chỉ có khoảng 20.000 đồng tiền ăn.
Hồi trước không có quán mì thì tôi nấu cơm ở nhà rồi đem theo một ít buổi chiều ăn cho đỡ tốn. Từ lúc có quán mì, ngày nào tôi cũng ghé đây ăn. Tiết kiệm được nhiều, đồ ăn ngon lắm. Cho tôi gửi lời cảm ơn mọi người đã giúp đỡ cho quán mì, giúp những người nghèo khó như chúng tôi có được bữa ăn no bụng".
Em Ngô Huyền Trân (nhân viên quán mì) cho biết có thùng tiền để mọi người tự nguyện bỏ vào 1.000 đồng sau khi ăn. Ăn xong tùy thực khách bỏ tiền vào, không bỏ cũng không sao. Số tiền này sẽ gom lại với tiền đóng góp của mọi người để mua mì mới.
"Hồi trước em bán quán cà phê, trà sữa ít cực hơn bây giờ. Tuy nhiên nhìn gương mặt rạng ngời của các cô chú, các em bán hàng rong, bán vé số mà vui nên làm việc có cực nhưng không thấy mệt. Nụ cười của khách hàng sau khi ăn mì là niềm vui, động lực cho mình", Trân nói.
Ông Châu Phú Vinh (82 tuổi, làm nghề lượm ve chai) ngập ngừng trước quán mì. Ông cho rằng sáng giờ lượm ve chai nhưng không có bán nên chưa có tiền, dù chỉ 1.000 đồng. Ông Vinh hỏi lí nhí "không tiền có ăn được không chú?".
Chủ quán và nhân viên thấy vậy vội ra mời ông Vinh một tô mì với đầy đủ xúc xích, trứng, rau. Sau khi ăn xong, ông Vinh không ngừng cảm ơn và cho biết lần sau có đói ông sẽ quay lại quán mì ăn tiếp.
Ông Vinh bộc bạch quê ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Vì cuộc sống khó khăn mà bất chấp nắng mưa đạp xe rong ruổi các hang cùng, ngõ hẻm nhặt ve chai kiếm tiền sinh sống qua ngày.
"Tôi nhặt ve chai mỗi tháng kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Trừ tiền thuê phòng còn được một ít để vợ chồng già trang trải cuộc sống và mua thuốc uống khi ốm đau. Số tiền kiếm được không nhiều nên tôi ít dám ăn quán. Nay có quán mì 1.000 đồng, tôi thấy quá tốt rồi', ông vinh xúc động, nói.
Mỗi tuần quán sẽ xem lại nguồn hàng và mua một lần, gồm nhiều loại mì, có đủ chay - mặn, trứng, xúc xích.
"Có nhiều cô chú đến rồi tự nguyện quyên góp, nhưng chúng tôi chỉ nhận mì, xúc xích và trứng, nhiều cô chú cũng ăn trải nghiệm và bỏ số tiền lớn vào thùng để đóng góp làm quỹ mua mì.
Tiệm mới mở chưa đầy tháng nhưng được nhiều người quan tâm đến ủng hộ, làm cho ai trong nhóm cũng phấn khởi, thấy mình đã làm được một điều gì đó đồng hành cùng những người dễ tổn thương trong xã hội", anh Đương (người đồng sáng lập tiệm mì 1.000 đồng) chia sẻ.
Anh Đương cho biết: "Khách đến ăn lần đầu, anh em trong nhóm sẽ hướng dẫn mọi người, còn những lần sau thì đã quen nên tự làm. Ăn xong mọi người đa phần có ý thức gom tô lại bỏ vào sọt rác cho gọn.
Cuối buổi, nhân viên sẽ dọn dẹp và chuẩn bị lại các món ăn cho người đến sau. Mong muốn của tôi lúc này là mở thêm quán ở chỗ khác để bà con gần khu vực đó thuận tiện đến ăn hơn. Phần đóng góp của nhà hảo tâm chúng tôi đều có ghi lại và báo cáo công khai trên trang cá nhân của nhóm".
Ông Trần Hữu Long - phó chủ tịch UBND phường 5, TP Cà Mau - bày tỏ việc làm của anh Trương Minh Đương và những người bạn rất có ý nghĩa, bởi đã kịp thời chia sẻ phần nào khó khăn đối với người dân. UBND phường 5 sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để mô hình này có thể hoạt động và duy trì được lâu dài.
Cao Bằng - Bộ trưởng Bộ Công an vừa quyết định bổ nhiệm lại chức danh Phó Giám đốc Công an tỉnh với Đại tá Sầm Minh Hồ.
Bắc Giang - Cầu Đồng Việt sẽ được thông xe trong 2 ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên không trung, đoàn diễu binh đi giữa biển người, đội hình biểu diễn 'trăm người như một' của các khối vũ trang... là những hình ảnh nổi bật trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, sáng 30/4.
Hà Nội - 10 Trưởng phòng, Trưởng Công an cấp huyện tự nguyện xin giữ chức vụ thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm sau khi tinh gọn bộ máy.
Nhiều bạn đọc không khỏi phẫn nộ sau khi đọc bài viết 'Ba người thu gom heo bệnh, heo thối làm giò chả cung ứng suất ăn công nghiệp, cơ sở ăn uống'.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (22/3/1955-22/3/2025), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi Điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Sóc Trăng - Công an tỉnh Sóc Trăng vừa bắt giữ 5 đối tượng để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Ngày 20/4, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Sóc Trăng họp kỳ thứ 32, thông qua tờ trình của UBND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, toàn tỉnh sẽ giảm từ 108 xã, phường, thị trấn xuống còn 43 đơn vị (gồm 8 phường và 35 xã).
Dàn máy bay trực thăng dẫn đầu tiến về TP.HCM tham gia lễ tổng duyệt đại lễ 30/4. (Ảnh: Đại Việt)