Cuộc điện đàm Trump - Putin ngày 12-2 đã làm dậy lên rất nhiều sóng gió về tương lai và hy vọng hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine.
Các thông điệp lẫn lộn, đôi khi trái ngược nhau, phát đi từ chính quyền Trump; những được mất quá lớn của cuộc chiến; tính chất chia rẽ nghiêm trọng của chính trường Mỹ và tâm lý hoài nghi ngày càng tăng ở châu Âu với ông Trump, tất cả đã khiến căng thẳng và mơ hồ xoay quanh vấn đề Ukraine lên đến tột độ mấy ngày qua.
Những từ ngữ như "phản bội", "bỏ rơi", "đầu hàng" đều đã được cả báo chí phương Tây lẫn Nga nhắc tới sau cuộc điện đàm. Đài CNN 13-2 chẳng hạn, giật tít: "(Cựu cố vấn an ninh quốc gia John) Bolton: Trump trên thực tế đã đầu hàng Putin trong thương thuyết về Ukraine".
Còn báo Anh The Guardian có bài xã luận ngày 14-2: "Trump đã bán đứng Ukraine và cho thấy nước Mỹ trên hết có nghĩa là gì". Trang tin Nga RT 13-2: "Nga đã thắng cuộc chiến với phương Tây: Ý nghĩa thực sự của cuộc điện đàm Putin - Trump".
Trong khi nhiều chi tiết của cuộc trao đổi Trump - Putin không được công khai, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth trong một sự kiện ở trụ sở NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 13-2 đã được nhiều hãng tin dẫn lại như bằng chứng về lập trường "bỏ rơi Ukraine" của Washington.
Ông Hegseth nói mục tiêu trở về với đường biên giới trước năm 2014 của Kiev là "ảo tưởng" và "sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và gây thêm đau khổ". Ông còn cảnh báo Mỹ có thể rút khỏi các cam kết với an ninh châu Âu, khẳng định Ukraine khó lòng gia nhập NATO. Chính ông Trump nói cuộc trao đổi của ông với ông Putin là "rất dài và có kết quả đáng kể".
Tuy nhiên chỉ một ngày sau, Phó tổng thống Mỹ JD Vance lại khẳng định Mỹ có thể đưa quân tới Ukraine và tung ra thêm đòn trừng phạt nếu Nga không ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí rõ ràng.
Trả lời báo Wall Street Journal trước khi gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Hội nghị an ninh Munich, ông Vance nói lựa chọn đưa quân Mỹ tới Ukraine "vẫn được cân nhắc".
Những diễn biến đó giải thích cho bầu không khí bất trắc và lo âu không chỉ ở châu Âu và Ukraine mà cả với những người ủng hộ Ukraine những ngày qua. Nhiều nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), như Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cảnh báo Mỹ không được quyền thỏa thuận riêng với Nga sau lưng châu Âu và Ukraine, mọi cuộc đàm phán về hòa bình ở Ukraine phải có sự tham gia của Kiev.
Họ lo lắng khả năng ông Trump sẽ nhượng bộ lớn với Matxcơva thậm chí trước khi hòa đàm bắt đầu. Một ngạc nhiên khó chịu nữa là việc ông Trump, đúng như cách hành xử xưa nay, đã quyết định trao đổi trực tiếp với ông Putin mà không hỏi ý trước ông Zelensky hay các lãnh đạo châu Âu khác.
Ngay lúc này cả Nga và Mỹ đều đang nói tới một cuộc gặp trực tiếp Trump - Putin, mà theo RT, Trung Quốc đã tỏ ý sẵn sàng đứng ra tổ chức. Về phần Ukraine, ông Zelensky vẫn đang cố gắng thể hiện một thái độ can đảm và không quá gay gắt với Mỹ.
Ông đăng trên X một bài nói cuộc trao đổi của ông với ông Trump (sau điện đàm Trump - Putin) là "có ý nghĩa", khi "Tổng thống Trump chia sẻ nhiều chi tiết về cuộc nói chuyện của ông ấy với Putin".
"Không ai mong muốn hòa bình hơn Ukraine. Cùng với Mỹ, chúng tôi sẽ vạch ra những bước tiếp theo để chặn đứng hành động gây hấn của Nga và đảm bảo nền hòa bình bền vững, lâu dài", ông Zelensky viết.
Từ châu Âu, Cao ủy Đối ngoại của EU, Kaja Kallas, viết trên X: "Trong mọi cuộc thương lượng, châu Âu phải có vai trò trung tâm" và "Độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine là vô điều kiện. Ưu tiên của chúng tôi là củng cố cho Ukraine và cung cấp những đảm bảo an ninh vững chắc". Reuters 13-2 dẫn lời bà Kallas khẳng định mọi thỏa thuận "sau lưng chúng tôi đều sẽ thất bại".
Trước khi ông Trump lên nắm quyền, khẩu hiệu của phe ủng hộ Ukraine luôn là "không thỏa thuận về Ukraine mà không có Ukraine", giờ thì khẩu hiệu đó có vẻ đã mở rộng thêm cả châu Âu.
Sáu chính quyền châu Âu bao gồm: Pháp, Anh và Đức, tối 13-2 đã ra tuyên bố chung khẳng định Ukraine và châu Âu phải được tham gia mọi cuộc đàm phán. Lý lẽ này cũng có cơ sở "đồng tiền bát gạo".
Phát biểu với CNN ngày 14-2, Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovilė Šakalienė nhắc rằng châu Âu đã cung cấp 125 tỉ USD viện trợ cho Ukraine năm ngoái, trong khi với Mỹ chỉ là 88 tỉ USD, "nên chúng tôi xứng đáng có chỗ trên bàn đàm phán".
Vấn đề thêm khó khăn bởi lập trường vẫn rất cứng rắn và ít nhân nhượng của Nga, vốn đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mới nhất, Matxcơva có vẻ đang tìm cách đào sâu thêm mâu thuẫn của phe ủng hộ Ukraine.
Trả lời câu hỏi của CNN ngày 14-2, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói về cuộc điện đàm Trump - Putin: "Nhiều người ở phương Tây, bao gồm các lãnh đạo EU, thấy sốc trước một cuộc trò chuyện giản dị, bình thường, giữa hai người có giáo dục, lịch sự với nhau".
Cho tới giờ, trong tư cách tổng thống Mỹ, ông Trump đã đưa ra nhiều quyết định gây bất ngờ, nhiều khi không tham khảo chính đội ngũ cố vấn cấp cao và dưới quyền của ông. Đánh giá về phong cách lãnh đạo đó, với những người ủng hộ ông, là quyết đoán, độc đáo, dám nói dám làm; nhưng với những người phản đối, lại là cẩu thả, đáng trách và độc đoán.
Sự thật có thể đâu đó ở giữa hai thái cực, nhưng với cuộc chiến Ukraine, những được mất và tác động là lớn tới mức dù có muốn, ông Trump cũng sẽ khó lòng hành động đơn phương. Bằng chứng chính là phản ứng dữ dội mấy ngày qua về cuộc điện đàm Trump - Putin.
Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh an ninh Munich 2025 (14 tới 16-2), Cao ủy Đối ngoại EU Kaja Kallas đã khẳng định: "Chính sách nhân nhượng chắc chắn sẽ thất bại". Cách lựa chọn từ ngữ của bà Kallas ở đây là rất đáng chú ý.
Từ dùng trong nguyên văn "appeasement", trong khi có nghĩa chung là nhân nhượng, thường được các sử gia sử dụng để chỉ một sự kiện rất cụ thể: Hội nghị Munich 1938 khi Anh, Pháp và Ý chấp nhận cho Đức quốc xã sáp nhập lãnh thổ của Tiệp Khắc với hy vọng duy trì hòa bình nhưng rồi chỉ một năm sau Thế chiến 2 bùng nổ.
Sóc Trăng - Cống âu Rạch Mọp chính thức đưa vào vận hành giúp ngăn mặn , trữ ngọt, điều tiết nguồn nước cho 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu...
Lãnh đạo UBND xã Thọ Thanh (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, địa phương vừa xảy ra vụ việc 2 cháu nhỏ tử vong bất thường tại nhà ông bà ngoại. Hiện, cơ quan pháp y Công an tỉnh Thanh Hóa đang khám nghiệm hiện trường, làm các thủ tục pháp y để làm rõ nguyên nhân. Theo vị lãnh đạo này, khoảng 23h tối 21/4, xã nhận được thông tin sự việc trên nên cùng công an tới gia đình ông bà Đ., Th. (ngụ thôn 1, xã Thọ Thanh), là ông bà ngoại của 2...
TPHCM - Tối 26.4, thời tiết TPHCM bất ngờ đổ mưa to khiến chương trình nghệ thuật 3D mapping quốc tế bị gián đoạn.
Ngày 28/4, ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND phường Phượng Sơn, thị xã Chũ (Bắc Giang) cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào sáng cùng ngày trên Quốc lộ 31, khu vực Cầu Đất. Xe khách 45 chỗ đâm vào ô tô con rồi va chạm với một xe máy, đồng thời làm ảnh hưởng đến một căn nhà gần hiện trường. “Bước đầu lực lượng chức năng xác định, có một người chết tại chỗ, nhiều phương tiện giao thông bị hư hỏng nặng”, ông Cường cho biết thêm. Lực lượng chức năng của...
Mới đây, các cơ quan đã công bố, trao quyết định điều động, bổ nhiệm với 4 sĩ quan cấp tá quân đội giữ chức vụ mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 - 2030, với từng nhóm giải pháp.
Ngành lâm nghiệp cần xây dựng một nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn.
Ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khánh thành công trình Bảo tồn tôn tạo Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đặt vòng hoa, dâng hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Trong chuyến công tác tại các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long và Miền Trung, ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khánh thành công trình Bảo tồn...
Điện Biên - Ngày 24.4, Thượng tướng Suvon Luongbunmi - Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại tỉnh.