Làng nghề rối nước 800 năm
Cầm trên tay con rối cổ nhất với tên gọi Chú Tễu, có tuổi đời 400 năm, ông Khuể chậm rãi nói: “Tương truyền, nghề múa rối nước đã có ở làng Rạch từ khoảng 800 năm trước. Có người đàn ông họ Phan đi trận mạc về qua vùng này thì bị ốm, phải nghỉ lại. Con cháu ông từ Thanh Hóa ra tìm, thấy đây là vùng đất phì nhiêu liền ở lại lập làng, lập ấp. Người đàn ông họ Phan ấy có nghề múa rối nước, thường cùng bà con biểu diễn để giải khuây lúc nông nhàn, dần dần thành nghề truyền thống”.
Ông Khuể giải thích, múa rối nước có 2 loại hình chính là các trò và các tích. Các tích là câu chuyện lịch sử, dân gian xưa. Phường rối Nam Chấn lưu giữ 3 tích cũ nhất là “Lê Lợi khởi nghĩa”, “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” và “Trưng Trắc - Trưng Nhị”. Còn các trò là hoạt động thường thấy trong đời sống như “Cáo bắt vịt”, “Đánh cá”, “Chọi trâu”... Vừa phục dựng vừa làm mới, hiện nay phường rối Nam Chấn có 24 tiết mục để biểu diễn.
Ông Khuể đã chứng kiến các thời kỳ hoàng kim và trầm lắng của nghề rối nước làng mình. Trải qua hai cuộc kháng chiến, trong khó khăn, bom đạn, các thế hệ nghệ nhân làng Rạch vẫn âm thầm gìn giữ để nghề tổ không bị mai một.
“Giai đoạn vàng son nhất của múa rối nước làng Rạch là những năm 80 của thế kỷ trước, khi đó tôi mới học việc được 3 năm. Cùng với nghệ sỹ chuyên nghiệp của Nhà hát Múa rối Trung ương, các nghệ nhân thôn Bàn Thạch cũng được mời sang Pháp biểu diễn. Khán giả Tây Âu ngạc nhiên vì sự độc đáo của rối nước. Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thành phố Mulhouse phải thốt lên: ‘Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đã làm khán giả của nước chúng tôi kinh ngạc”, ông Khuể nhớ lại.
Thời kỳ rực rỡ tiếp theo là những năm 2006 - 2014, khi Quỹ văn hóa Thụy Điển - Việt Nam, Quỹ Ford, cùng Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc hỗ trợ phường múa rối Nam Chấn bảo tồn nghề. Mỗi tháng, phường có ít nhất 32 suất diễn tại các nhà hát và bảo tàng, ngoài ra còn rất nhiều lời mời diễn tại các lễ hội, lễ kỷ niệm.
Sau năm 2014 là khoảng thời gian khó khăn vì suất diễn ít, kinh phí ngày càng eo hẹp, cát-sê cho một suất diễn 45 phút chỉ khoảng 5 triệu đồng. Khoản tiền này phải trả chi phí thuê xe, bảo dưỡng máy móc, con rối..., rồi mới chia cho đoàn 10 người. Tính ra, mỗi người chỉ nhận được khoảng 100.000 đồng tiền công. Vậy nhưng, chỉ cần có lời mời là họ mang những con rối đến phục vụ, vì với họ, được diễn, được làm nghề là hạnh phúc.
Tìm hướng đi mới
Nỗi trăn trở lớn nhất của các nghệ nhân làng Rạch là nghệ thuật múa rối nước không còn thu hút khán giả trẻ. Ông Khuể chia sẻ: “Những năm trước, tôi cũng thử các trò mới theo thị hiếu như đua xe máy, nhưng vẫn không thu hút được người trẻ. Còn các trò cũ như “Xay thóc, giã gạo”, hay “Dệt vải trao con” thì không gần gũi với đời sống bây giờ, giới trẻ không hiểu các hoạt động đó là gì”.
Cái khó ló cái khôn. Thế hệ nghệ nhân tiếp nối của Nam Chấn đã tìm ra hướng đi mới. Họ mở xưởng chế tác con rối nước với nhiều kích cỡ, vừa cung cấp cho người làm nghề, vừa làm quà lưu niệm, tạo điểm tham quan cho khách du lịch.
Nghệ nhân Phan Văn Triển, 46 tuổi, là người kế tục việc gìn giữ và phát huy vốn rối nước cổ. Lớn lên trong giai đoạn hưng thịnh của rối nước Nam Chấn, ông được các cụ trong phường rối cho đi theo phụ việc từ năm lớp 8, lúc đầu chỉ bưng bê các con rối, sau được nhập vai đơn giản, dần dà lên vai chính. Cứ thế, tình yêu với rối nước ngấm sâu vào máu thịt ông mỗi ngày.
Với ước nguyện gìn giữ di sản của cha ông, thấy rõ không thể chỉ sống bằng việc biểu diễn rối nước, ông quyết tâm học và phát triển nghề tạo hình rối nước. Năm 2000, ông mở xưởng sản xuất hình nhân rối nước, ban đầu bán cho người làng. Nhờ tay nghề tốt, các nhà hát và phường rối nước khác tìm đến đặt hàng. Rồi ông làm con rối đơn giản cỡ nhỏ để bán làm quà lưu niệm, và mặt hàng này trở thành hướng đi mới đầy triển vọng.
Trong khu xưởng của nghệ nhân Phan Văn Triển, những cây gỗ sung - loại gỗ nhẹ, dễ nổi trên mặt nước nên được dùng tạo hình con rối - chiếm gần một nửa diện tích. Nửa còn lại la liệt những con rối trâu đang trong quá trình hoàn thiện. “Có khách đặt 1.000 con làm lưu niệm nên tôi phải làm gấp” - ông Triển giải thích về sự bề bộn của xưởng.
Hiện nay, với 5 công nhân và nhiều máy móc hỗ trợ, mỗi tháng xưởng cho ra lò khoảng 50 con rối nước cao 30 - 70 cm bán cho các đoàn biểu diễn. Những con rối được cải tiến, điều khiển bằng dây sắt thay cho tre, lại có thêm mô tơ để thao tác dễ dàng, sinh động hơn. Ngoài ra, xưởng cũng sản xuất khoảng 500 con rối nhỏ cao 16 - 30 cm, chỉ luồn dây đơn giản để bán làm quà lưu niệm. Mặt hàng rối mini này bán khá chạy, tháng nào nhiều đơn thì xuất cả nghìn con.
“Tôi bán những con rối lưu niệm cho đại lý để họ bán lại hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, có khá nhiều khách du lịch nước ngoài đến làng trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa rối nước rồi mua về làm quà”, ông Triển nói.
Nắm bắt ưu thế của quá trình chuyển đổi số, từ tháng 4/2023, nghệ nhân Phan Văn Triển bắt đầu truyền thông sản phẩm tạo hình rối nước lên nền tảng Facebook và Zalo. Tuy nhiên, các chia sẻ của ông chưa bài bản, mới dừng ở mức tự phát, thấy sản phẩm mới thì chụp ảnh đăng lên, nên kết quả thu được chưa cao, mỗi tháng chỉ có thêm khoảng 2-3 đơn hàng từ mạng xã hội. Nhưng, điều ông mừng nhất là một số khách nước ngoài đã liên hệ trực tiếp với ông qua Facebook.
Làng Rạch năm xưa nay đã mang dáng dấp một điểm du lịch. Nhiều công ty du lịch bắt đầu đưa các đoàn khách quốc tế đến tham quan phường rối nước Nam Chấn. Ông Triển nhanh chóng bắt kịp xu thế, tổ chức cho du khách đến xưởng trải nghiệm tự làm con rối. Hai năm gần đây, mỗi năm ông đón khoảng 1.500 khách du lịch ghé thăm. Thu nhập từ nguồn này không nhỏ, giúp ông có kinh phí duy trì xưởng. Điều khiến ông đau đầu nhất là khó tìm thợ trẻ, nhiệt huyết để mở rộng, phát triển làng nghề.
Hiện nay, nghệ nhân Phan Văn Triển đang có kế hoạch phát triển kinh doanh qua mạng xã hội. Đầu năm 2025, ông sẽ khai trương nhà hát múa rối Ánh Dương, nằm ngay trong khuôn viên xưởng. Ông dự kiến sẽ làm livestream, quay các video ngắn về các tiết mục múa rối và khách nước ngoài trải nghiệm làm con rối, đăng trên các nền tảng Facebook, TikTok, Youtube. Ông đang tự học qua mạng cách tạo ra các sản phẩm truyền thông chuyên nghiệp, phù hợp với tầm vóc của doanh nghiệp làng nghề.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm mở ra triển vọng hợp tác hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Kazakhstan, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phát triển tại khu vực.
Hà Nội – Có 3 đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn huyện Sóc Sơn được nhận hỗ trợ Mái ấm Công đoàn. Việc này càng ý nghĩa khi diễn ra vào Tháng Công nhân.
Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, trường đại học Xây dựng Hà Nội thay đổi cách tính điểm IELTS và SAT trong kỳ tuyển sinh năm 2025.
Ngày 2/5 - ngày thứ ba trong kỳ nghỉ lễ, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 60mm.
Bình Dương - Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp vẫn đang nhận hồ sơ phỏng vấn tuyển dụng lao động sau kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Từ nay đến ngày 14/5, mưa dông ở TPHCM có xu hướng xuất hiện nhiều và thường xuyên hơn. Cơ quan khí tượng dự báo gió mùa Tây Nam sẽ được thiết lập ở khu vực phía Nam. Đây là tín hiệu rõ rệt cho sự chuyển mùa từ mùa khô sang mùa mưa ở Nam bộ (bao gồm TPHCM).
Bộ Chính trị yêu cầu kịp thời chi trả theo chế độ, chính sách về thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Sáng 3/5, hàng vạn người đổ về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) trong ngày đầu tiên xá lợi Phật – bảo vật quốc gia Ấn Độ – được mở cửa chiêm bái. Ghi nhận của PV Báo Điện tử VTC News, từ sáng sớm, chùa Thanh Tâm – nơi được chọn làm điểm tôn trí chính thức xá lợi Phật – đã kín đặc người. Dòng người trải dài từ cổng vào đến khu chính điện, tay chắp trước ngực, ánh mắt thành kính hướng về khám thờ xá lợi. Nhiều Phật tử lớn tuổi vượt quãng...
Trong tuần qua, TPHCM đã triển khai nhiều quyết định nhân sự quan trọng.