TP - Như bước hụt vào khoảng không nào đó thật lâu lắm xa lắm khi bất chợt nghe Phó Tổng Biên tập Lê Minh Toản điện vào báo “anh Dương Xuân Nam đã đi rồi”. Nhìn ra khoảng sân nhỏ trước mặt, mưa bụi lạnh lạnh hắt chéo những hạt li ti li ti, mắt chợt nhòe nhòe...
Bởi người mới đó mới đây thôi mà. Bởi cái nhiệt lượng thèm sống thèm yêu thương thèm chữ nghĩa luôn khiến người không sợ hãi, không tin vào bệnh tật, chưa bao giờ tin vào cái chết...
Trong toàn bộ quãng đường 20 năm liên tục làm Tổng Biên tập báo Tiền Phong của nhà báo, nhà thơ Dương Xuân Nam từ 1988 đến 2008, thì tôi có 13 năm làm lính của ông, đứng chân ở miền Trung. Đà Nẵng là nơi thứ hai báo đặt văn phòng đại diện sau văn phòng ở TPHCM, do nhà báo Nguyễn Thị Bích Hậu - Trưởng Ban Bạn đọc ở tòa soạn được giao phụ trách, từ tháng 7 năm 1994.
Trong 13 năm ấy, thì cái đoạn 2000 - 2004 tôi liên tục “lên bờ xuống ruộng” hết vụ này đến vụ khác, mà nếu không phải ông là sếp, tôi có lẽ đã “out” lâu lắm rồi. Năm 2000 sau vụ “Cả làng ăn xương rồng” của tôi ở Quảng Nam, ông bị kỉ luật với trách nhiệm là người đứng đầu tờ báo. Ông cười cười chỉ mặt tôi “Mấy chục năm làm báo, cậu là người đầu tiên khiến tôi bị kỉ luật đến mức này đấy, biết không!”. Rồi liên tiếp 3 năm sau đó, tôi hết bị thu thẻ nhà báo lại bị Bộ Công an triệu tập điều tra. Tất cả chỉ vì tác nghiệp hăng say quá, máu lửa quá, không lường hết mọi sự...
Trước tôi cũng đã từng có không ít vụ “tày đình”. Như có lần ông tự bạch về nghề: “Báo Tiền Phong thời tôi làm Tổng Biên tập đã ba lần bị khởi tố! May sao cả ba lần đều “hóa giải” được. Phóng viên viết bài cũng như tờ báo đều an toàn... Chỉ có một lần, phóng viên viết bài bị thu thẻ nhà báo. Nhưng, từ phóng viên viết bài cho đến Tổng Biên tập, các Phó Tổng Biên tập đều trải qua những ngày căng thẳng, mệt mỏi, “lên bờ xuống ruộng”... Cả ba vụ đều là những bài viết chống tham nhũng, chỉ có sai sót chi tiết nhỏ còn bản chất sự việc là đúng, và điều cơ bản là mục đích viết của phóng viên, mục đích của Tổng Biên tập đăng bài đều trong sáng, không vụ lợi, tất cả vì mục đích chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cho tuổi trẻ...” (VTC ngày 21/6/2022).
Giờ nhìn lại, thấy thật may mắn khi được tham gia vào không khí báo chí thời ấy. Cái thời đất nước vừa đi qua bao cấp còn đang manh nha vỡ vạc về quản lý điều hành nền kinh tế thị trường với bao mô hình lần đầu biết đến, va đập giữa lợi ích cá nhân và tập thể, làm sao tránh khỏi vướng víu, sai lầm nơi này chỗ nọ... Nhưng báo chí mạnh mẽ quyết liệt mà sao vẫn cứ đầy chân chất, nhân văn. Nghe kể nhiều về những lần Tổng Biên tập Dương Xuân Nam cùng lãnh đạo chủ chốt của Tiền Phong từng “bị” đích thân Tổng Bí thư gọi lên chấn chỉnh, nhắc nhở. Về những sai sót, sự nhiệt tình quá đà trong quá trình viết tin bài đấu tranh chống tiêu cực... Báo nghiêm túc tiếp thu chỉ đạo, nghiêm túc chấn chỉnh, nhưng không vì thế mà tinh thần đấu tranh phụng sự bạn đọc, phụng sự nhân dân bị “hạ nhiệt”.
Tôi đang lưu đủ bộ báo Tiền Phong giai đoạn ấy, được đóng tập ghi số cẩn thận. Những lúc chênh chao mệt mỏi lại lấy xuống giở ra những trang báo cũ, giấy sậm màu in vụng nét. Ngôn ngữ, văn phong báo thời ấy cũng khác, giản dị nhưng thật giàu cảm xúc...
![]() |
Nhà thơ, nhà báo Dương Xuân Nam (đội mũ) và tác giả tại Mỹ Sơn năm 2001. |
Người nằm xuống, cái bóng bồi hồi của ký ức thời đan thanh trong tôi bỗng vơi đi một mảng lớn. Cái thời trong sáng quá làm báo và chỉ biết có làm báo, nghèo khó nhưng lại ít phải chộn rộn lo lắng chuyện áo cơm. Lạ thế.
Tôi vẫn nhớ những cuộc điện thoại với chất giọng chậm rãi, chuyển tải hết sức khúc chiết những nội dung vốn rối rắm phức tạp nhất của ông. Đứng mũi chịu sào một tờ báo chính trị xã hội hàng đầu cả nước đầy tính tiên phong, căng thẳng như vậy, nhưng tôi thấy ông không bao giờ mất đi phong thái của một nhà thơ. Những chuyến ông vào miền Trung công tác, sau công việc, ông thường bảo tôi rủ thêm mấy bạn thơ nữa lên phòng khách sạn. Ông mở tủ lạnh lấy ra mấy lon bia, bảo mấy anh em trẻ chúng tôi uống đi uống đi, rồi... đọc đi, đọc thơ đi! Mồi chỉ là...thơ. Những cuộc “nhậu thơ” lạ lùng ấy khiến tôi càng thấm thía cái chất thơ nó đã “hành” ông đến mức nào. Gương mặt ông mỗi khi nghe thơ cứ trở nên đặc biệt thế nào ấy. Cảm giác rằng chính thơ đã cân bằng và xoa dịu mọi thứ bi kịch nhất trong cuộc đời ông mà không mấy người biết. Từ hoàn cảnh riêng khốc liệt, gia đình mấy đời cách mạng nhưng từ ông nội tới bố đều bị oan khuất. Gia cảnh kiệt cùng, mẹ mất sớm, 8 tuổi ông đã phải dắt 2 đứa em nhỏ đi ăn xin...
Gia đình được minh oan, ông và em trai vào bộ đội. Em trai ông hy sinh đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Ông đi tìm em bằng thơ. “Người đi tìm phần mộ em mình” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Dương Kỳ Anh (bút danh của Dương Xuân Nam), và cũng là bài thơ hàng đầu viết về nỗi đau mất mát hậu chiến. Mỗi lần bài thơ này được đăng ở đâu, bên dưới đều có mấy dòng “Em trai tôi, liệt sĩ Dương Xuân Việt đã hy sinh ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ... Đọc bài thơ này nếu ai có thông tin về phần mộ em tôi xin được hồi âm, gia đình vô cùng cảm tạ”. Rồi ông viết cả một bài phóng sự “Tôi đi tìm mộ em” gửi đăng báo Tuổi trẻ TPHCM với hy vọng vào một phép màu...
Nhắc đến chuyện tìm mộ liệt sĩ, lại nhớ mùa hè đầu những năm 2000 vợ chồng ông cũng vào miền Trung tìm kiếm mộ phần liệt sĩ của người anh vợ. Sau một thời gian, xác định được chính xác mộ của anh mình đang nằm ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi), bà Phạm Thị Trìu vợ ông vào đưa về quê. Đó là tháng 7/2004. Chứng kiến câu chuyện cảm động ấy, tôi đã viết thơ “Về” in trong tập “Ma thuật ngón” (NXB Hội Nhà văn - Bách Việt Books, 2008). “về thôi anh/cùng em trên chuyến xe đò cuối ngày/rời núi lạ/anh và chiến tranh/em xếp chung cùng với mấy thứ đồ lặt vặt/chai nước, ổ mì khô, viên thuốc chống nôn/bộ áo quần/món đồ chơi miền Nam cho mấy đứa cháu quê nhà...”.
Giờ thì ông đã lại tiếp tục cuộc hành trình tìm những người thân yêu của mình. Xin được đưa tiễn và chúc ông thượng lộ bình an...
Hà Nội, 26/2/2025
Sóc Trăng - Cống âu Rạch Mọp chính thức đưa vào vận hành giúp ngăn mặn , trữ ngọt, điều tiết nguồn nước cho 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu...
Lãnh đạo UBND xã Thọ Thanh (huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) xác nhận, địa phương vừa xảy ra vụ việc 2 cháu nhỏ tử vong bất thường tại nhà ông bà ngoại. Hiện, cơ quan pháp y Công an tỉnh Thanh Hóa đang khám nghiệm hiện trường, làm các thủ tục pháp y để làm rõ nguyên nhân. Theo vị lãnh đạo này, khoảng 23h tối 21/4, xã nhận được thông tin sự việc trên nên cùng công an tới gia đình ông bà Đ., Th. (ngụ thôn 1, xã Thọ Thanh), là ông bà ngoại của 2...
TPHCM - Tối 26.4, thời tiết TPHCM bất ngờ đổ mưa to khiến chương trình nghệ thuật 3D mapping quốc tế bị gián đoạn.
Ngày 28/4, ông Hoàng Đức Cường, Chủ tịch UBND phường Phượng Sơn, thị xã Chũ (Bắc Giang) cho biết, vụ tai nạn xảy ra vào sáng cùng ngày trên Quốc lộ 31, khu vực Cầu Đất. Xe khách 45 chỗ đâm vào ô tô con rồi va chạm với một xe máy, đồng thời làm ảnh hưởng đến một căn nhà gần hiện trường. “Bước đầu lực lượng chức năng xác định, có một người chết tại chỗ, nhiều phương tiện giao thông bị hư hỏng nặng”, ông Cường cho biết thêm. Lực lượng chức năng của...
Mới đây, các cơ quan đã công bố, trao quyết định điều động, bổ nhiệm với 4 sĩ quan cấp tá quân đội giữ chức vụ mới.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng không khí, với các mục tiêu cụ thể đến giai đoạn 2025 - 2030, với từng nhóm giải pháp.
Ngành lâm nghiệp cần xây dựng một nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn.
Ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khánh thành công trình Bảo tồn tôn tạo Di tích Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Đặt vòng hoa, dâng hương, tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị. Trong chuyến công tác tại các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long và Miền Trung, ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Lễ khánh thành công trình Bảo tồn...
Điện Biên - Ngày 24.4, Thượng tướng Suvon Luongbunmi - Phó Chủ tịch Quốc hội Lào cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc tại tỉnh.