Khai thác đất trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, tác động xấu đến môi trường mà còn gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Khai thác đất trái phép: Xử lý xong vẫn đâu vào đấy
Hàng chục quả đồi bị san gạt, múc đất vận chuyển bằng xe tải đến nơi tiêu thụ, nhằm thu lợi bất chính, tư túi cá nhân. Hành vi khai thác đất trái phép diễn ra khá phổ biến ở các xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Thành phố Hà Nội). Trách nhiệm quản lý tài nguyên tại địa phương của chính quyền cơ sở là rất quan trọng.
Sau khi thu thập đủ tư liệu, thông tin và hình ảnh, phóng viên Báo Lao Động đã gặp ông Hoàng Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Nam Sơn để trao đổi thông tin về tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã.
Ông Chung xác nhận có tình trạng khai thác đất trái phép trên địa bàn xã. Thời gian đầu, những đối tượng khai thác đất trái phép hoạt động rất mạnh ở xã Hồng Kỳ, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn. Sau khi bị người dân, báo chí phản ánh, các đối tượng này dạt sang xã Nam Sơn để hoạt động.
Theo ông Chung, sau phản ánh của Báo Lao Động, UBND xã Nam Sơn đã giao các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý và tạm giữ một số xe tải chở đất trái phép.
Báo cáo cụ thể về sự việc, ông Chung khẳng định, thời gian qua, tình trạng khai thác đất, múc trộm đất rừng, đất trong vùng dự án giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường (bán kính 500m từ khu xử lý chất thải Sóc Sơn) kết hợp trồng cây xanh trên địa bàn xã Nam Sơn có diễn biến phức tạp.
Các đối tượng khai thác đất, múc đất lợi dụng đêm tối để khai thác trộm đất rừng và đất dự án vào ban đêm và sáng sớm.
Cuối năm 2024, tổ công tác của UBND xã Nam Sơn đã lập biên bản kiểm tra hiện trường việc khai thác đất tại khu vực Núi Nón (thôn Xuân Bảng) và núi Chùa Tiên (thôn Liên Xuân, xã Nam Sơn) với diện tích vi phạm 150m2.
Mặc dù, UBND xã Nam Sơn đã ban hành quyết định về việc thành lập tổ công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên trên địa bàn xã Nam Sơn; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tuần tra, ngăn chặn xử lý, xác minh đối tượng khai thác đất trên địa bàn xã, song tình trạng khai thác đất trái phép vẫn lén lút vào ban đêm.
Những ngày cuối năm 2024, tổ công tác của UBND xã Nam Sơn đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Phan Văn Việt (sinh năm 1981, địa chỉ tổ dân phố Bảo An, Đồng Xuân, Thành phố Phúc Yên, Vĩnh Phúc) về hành vi vi phạm: Hủy hoại đất làm biến dạng địa hình thay đổi độ dốc bề mặt đất, hạ thấp bề mặt đất (san gạt tại chỗ để làm đường đi tổng diện tích 104m2: dài 20m x rộng 5,2m x sâu 0,7m).
UBND xã Nam Sơn đã báo cáo đề xuất UBND huyện Sóc Sơn ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính. Sau đó, UBND huyện ban hành quyết định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, với số tiền 7,5 triệu đồng.
"Các vị trí khai thác đất, múc trộm đất chủ yếu là xa dân, xa khu dân cư trong vùng giải phóng mặt bằng dự án di dân, khi lực lượng công an xã phát hiện lên đến nơi thì các đối tượng đã đánh máy, di chuyển ôtô đi nơi khác.
Để đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về đất đai, ngăn chặn khai thác đất trái phép, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, chúng tôi có văn bản đề nghị UBND huyện Sóc Sơn, Công an huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn chỉ đạo, hỗ trợ lực lượng để ngăn chặn, lập hồ sơ xử lý việc khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn xã, nhằm chấm dứt tình trạng khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn" - ông Chung nói.
Xem xét khởi tố vụ án khai thác đất rừng trái phép ở Sóc Sơn
Liên quan đến các vi phạm khai thác đất trái phép, UBND huyện Sóc Sơn đã có những động thái chỉ đạo nhằm ngăn chặn. Đơn cử như tháng 2.2024, UBND huyện Sóc Sơn có công văn gửi Công an huyện Sóc Sơn, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện về việc xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng trên địa bàn xã Hồng Kỳ.
Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy diện tích đất bị khai thác gần 9.500m2, khối lượng đất đã khai thác hơn 25.500m3.
Vi phạm này được xác định đã làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, hủy hoại đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường; các phương tiện vận chuyển đất làm hư hỏng nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Hồng Kỳ và các xã lân cận.
UBND huyện Sóc Sơn đã phê bình Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Chủ tịch UBND huyện trong việc để xảy ra vi phạm khai thác tài nguyên đất, hủy hoại đất rừng mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Đối với xã Nam Sơn, trong văn bản chỉ đạo tuần tra, ngăn chặn xử lý vi phạm khai thác tài nguyên đất đai, UBND xã Nam Sơn cũng đã phê bình công an xã Nam Sơn vì không chấp hành yêu cầu tuần tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo Quyết định 261 của UBND xã Nam Sơn, vẫn để tái diễn tình trạng khai thác đất trái phép vào ban đêm.
Trước tình trạng khai thác đất trái phép, hiện tại UBND huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Công an huyện điều tra, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm để xử lý nghiêm.
Trong quá trình điều tra, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Sóc Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của pháp luật.
Ai chịu trách nhiệm?
Mặc dù lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn đã hành động để ngăn chặn tình trạng khai thác đất, tuy nhiên, việc các đối tượng khai thác đất lậu đã làm thất thoát tài nguyên, biến dạng địa hình, vấn đề quan trọng nhất đặt ra là ai sẽ phải chịu trách nhiệm thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn?
Trao đổi với Lao Động, TS. Trần Văn Miều - Trưởng ban Truyền thông Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khẳng định, để "đất tặc" hoành hành suốt một thời gian, trước hết phải nói đến trách nhiệm của địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn.
Bởi, pháp luật đã quy định rõ ràng, đối với UBND cấp xã, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân liên quan nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, mua bán, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không có biện pháp giải quyết, ngăn chặn, xử lý dứt điểm để tái diễn, kéo dài.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra hoạt động khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý kịp thời, trở thành điểm nóng, tập trung đông người, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản ở các điểm mỏ không theo đúng nội dung giấy phép, vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường.
“Khai thác đất trái phép không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, ngân sách Nhà nước mà còn tác động xấu đến môi trường, gây biến dạng địa hình, tăng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Cùng đó tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các đơn vị, doanh nghiệp có phép và không phép, gây thất thu thuế của Nhà nước”, TS Trần Văn Miều cho hay.
Cao Bằng - Bộ trưởng Bộ Công an vừa quyết định bổ nhiệm lại chức danh Phó Giám đốc Công an tỉnh với Đại tá Sầm Minh Hồ.
Bắc Giang - Cầu Đồng Việt sẽ được thông xe trong 2 ngày nghỉ lễ 30.4 và 1.5.
Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên không trung, đoàn diễu binh đi giữa biển người, đội hình biểu diễn 'trăm người như một' của các khối vũ trang... là những hình ảnh nổi bật trong lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, sáng 30/4.
Hà Nội - 10 Trưởng phòng, Trưởng Công an cấp huyện tự nguyện xin giữ chức vụ thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm sau khi tinh gọn bộ máy.
Nhiều bạn đọc không khỏi phẫn nộ sau khi đọc bài viết 'Ba người thu gom heo bệnh, heo thối làm giò chả cung ứng suất ăn công nghiệp, cơ sở ăn uống'.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (22/3/1955-22/3/2025), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã gửi Điện mừng tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Sóc Trăng - Công an tỉnh Sóc Trăng vừa bắt giữ 5 đối tượng để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Ngày 20/4, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Sóc Trăng họp kỳ thứ 32, thông qua tờ trình của UBND tỉnh về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, toàn tỉnh sẽ giảm từ 108 xã, phường, thị trấn xuống còn 43 đơn vị (gồm 8 phường và 35 xã).
Dàn máy bay trực thăng dẫn đầu tiến về TP.HCM tham gia lễ tổng duyệt đại lễ 30/4. (Ảnh: Đại Việt)